Vay tiêu dùng Việt Nam bao giờ theo kịp thế giới?

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng trở nên tất yếu đối với mọi loại hình ngân hàng. Tuy nhiên, để triển khai dịch vụ này hiệu quả, đòi hỏi các chế định ngân hàng Việt Nam phải vươn lên, khám phá cơ hội kinh doanh cũng như tạo dựng vị thế cạnh tranh của mình trong bối cảnh hội nhập.



Đáp ứng nhu cầu phát triểnKhảo sát thực tiễn hoạt động cho vay tiêu dùng trên thế giới có thể thấy, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong điều kiện nền kinh tế thị trường, tính đến đầu năm 2014, tổng dư nợ cho vay tín dụng tại thị trường Mỹ đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ USD tương đương khoảng 21,3% GDP. Tổng dư nợ cho vay tín dụng tại Anh cũng đạt tới 15,6%; ở Đức là 10,5% GDP; ở Pháp là 9,8%; ở Ý 8,7% GDP và Tây Ban Nha là 8,6%. Tại thị trường châu Âu tính đến đầu năm 2014, tổng dư nợ cho vay tín dụng là 1.061 tỷ Euro, tương đương khoảng 14% tổng doanh số tiêu dùng trong năm của toàn khu vực. Tại các quốc gia đang phát triển thị trường cho vay tiêu dùng cũng đang có sự phát triển nhanh chóng. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng (không kể các khoản cho vay thế chấp nhà ở) ở Malaysia hiện đạt khoảng 24% GDP. Tại Trung Quốc là khoảng 2% GDP và dự báo sẽ tăng lên 9% GDP vào năm 2025.

Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm ra đời và ngày càng được thúc đẩy bởi sự phát triển của nhu cầu xã hội. Điều này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, bởi với số dân trên 90 triệu người, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển. Nếu chỉ 1/9 dân số tức là khoảng 10 triệu người vay và mỗi người vay bình quân 50 triệu đồng/năm thì tổng số tiền cho vay ra đã đạt mức 500.000 tỷ đồng, một con số rất ấn tượng.

Hơn nữa, cho vay tiêu dùng thường ở mức giá trị thấp, có tài sản thế chấp cũng như phương án trả nợ rõ ràng, cho nên đối với ngân hàng đây là những khoản vay an toàn và dễ thu hồi nợ. Chính vì vậy, mở rộng và phát triển nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, tập trung nhiều hơn đối với phân khúc khách hàng cá nhân, những người có nhu cầu tiêu dùng cũng đang trở thành xu hướng của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Trong thực tế, mảng khách hàng cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển và là một trong những dịch vụ mang lại doanh số lợi nhuận lớn cho hệ thống ngân hàng. Tính đến hết năm 2014, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt trên 225.000 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2013 và chiếm khoảng 6,2% trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, tương đương khoảng 6% GDP. Năm 2015 hoạt động cho vay tiêu dùng được đánh giá là có xu hướng và tốc độ phát triển mạnh hơn so với năm 2014. Điều này, góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tín dụng đen và mở ra cơ hội cho nhiều người dân được tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Như vậy, phát triển mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng đang trở thành xu thế tất yếu. Trong 5 năm trở lại đây, các dịch vụ tiện ích của ngân hàng đã phát triển với tốc độ khá cao, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để hoạt động sản suất kinh doanh cũng như nhu cầu cải thiện cuộc sống. Các ngân hàng đang hướng tới cung cấp dịch bán lẻ để đáp ứng nhu cầu của cá nhân và các hộ gia đình. Trong đó, việc cho vay với mục đích mua, xây dựng hoặc sửa chữa lớn nhà ở đã có rất nhiều ngân hàng triển khai thực hiện như Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank)…

Rõ ràng việc ngân hàng tìm được hướng để tăng lợi nhuận trong thời điểm tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.000 tỷ đồng, dư nợ của khối khách hàng cá nhân, tiểu thương chiếm trên 50% tổng dư nợ tín dụng. Cũng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nguồn thu chính là từ mảng tín dụng khách hàng cá nhân. Sự phát triển này không chỉ mở rộng về quy mô dư nợ cho vay mà còn phụ thuộc rất lớn vào những sản phẩm mới của hệ thống ngân hàng.

Còn nhiều dư địa cho phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùngTrọng tâm của dịch vụ cho vay tiêu dùng là nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, lĩnh vực này mới chiếm 6% tổng dư nợ tín dụng trong nước, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là 15 đến 20%. Do vậy cần thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo kịp sự phát triển của thị trường thế giới. Đặc biệt, thời gian tới các ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực tín dụng tiêu dùng để thực hiện chiến lược đa dạng hoá hoạt động ngân hàng, phân tán rủi ro, kích thích nền sản suất trong nước phát triển và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo và ổn định trật tự xã hội. Trước mắt, cần tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực:

Một là, cho vay mua, xây dựng và sửa chữa lớn nhà ở: Đặc điểm của người á đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, việc mua đất, xây hoặc sửa chữa nhà là công việc trọng đại trong đời người. Do vậy, để chuẩn bị làm các việc trên họ cần một khoảng thời gian nhất định (có thể hàng chục năm) để tích luỹ nguồn tài chính và các điều kiện khác, trường hợp nếu họ còn thiếu nguồn tài chính thì chủ yếu là vay của người thân hoặc bạn bè, trường hợp vay tiền từ ngân hàng là rất ít. Vần đề này xuất phát từ thói quen ngại vay mượn của người Việt Nam, một phần cũng do thị trường tài chính chưa phát triển đã hạn chế mục đích vay tiền của nhân dân.

Hai là, cho vay qua thẻ: Thị trường thẻ ở Việt Nam đang phát triển với tốc độ có thể nói là “chóng mặt”, song tương quan số lượng thẻ phát hành và tỷ trọng thanh toán qua thẻ (không dùng tiền mặt) hiện còn quá nhỏ bé so với tiềm năng và so với các nước trong khu vực cũng như quốc tế. Ngoài ra, là một nước đang phát triển, đời sống của nhân dân ngày một nâng cao thì nhu cầu về học tập, chữa bệnh, đi du lịch ở nước ngoài ngày càng nhiều, đó là thị trường rất hấp dẫn để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng bằng việc cho vay qua thẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Với mức thu nhập trong dân cư ngày càng cao thì nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn, đó là điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển thẻ của ngân hàng, do tính an toàn và thuận lợi khi sử dụng, nhất là khi ra nước ngoài để chữa bệnh, đi du lịch hay học tập. Như vậy, thị trường tiềm năng để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay qua thẻ là rất lớn và thuận lợi do các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hiện chưa được phép phát hành thẻ, song điều kiện thuận lợi này sẽ mất khi hoạt động ngân hàng Việt Nam hội nhập với nền tài chính khu vực và quốc tế. Do vậy, ngay từ bây giờ các ngân hàng thương mại Việt Nam cần phải tận dụng triệt để các cơ hội, các điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ thẻ, đồng thời đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ba là, cho vay tiêu dùng thông thường: Mặc dù nhu cầu tiêu dùng của người dân là rất lớn như mua phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại, mua tiện nghi sinh hoạt để cải thiện cuộc sống… nhưng thời gian qua dịch vụ cho vay tiêu dùng chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải phòng, Đà Nẵng… và cũng chỉ chủ yếu là cho vay đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước với mức vay tương đối thấp so với nhu cầu. Thời hạn thường ngắn, chủ yếu là từ 1 đến 3 năm, trường hợp được vay với thời hạn từ 5 năm trở lên không nhiều. Thực tế cho thấy, khi các ngân hàng thương mại tiến hành triển khai cho vay tiêu dùng, số lượng khách hàng có nhu cầu đến ngân hàng để liên hệ vay đã vượt mức dự toán của các ngân hàng, hầu hết các ngân hàng đều quá tải. Qua đó cho thấy, tiềm năng để phát triển loại hình tín dụng này là cực kỳ lớn, các ngân hàng cần sớm có chiến lược và chính sách cụ thể để đáp ứng với nhu cầu của nhân dân.

Bài đăng phổ biến từ blog này

MIỄN GIẢM PHÍ CHO KHÁCH HÀNG

THÔNG BÁO ĐÍNH CHÍNH

QUÁ HẠN THANH TOÁN KHOẢN VAY CÓ SAO KHÔNG?